Bồ tát xứ Huế
Cập nhật ngày: 10/30/2019 3:31:13 PM

Xứ Huế của chúng ta đã và đang cống hiến cho Việt Nam và cả nhân loại nữa, nhiều nhạc sỹ tài hoa, trong đó, có vị khi ra đi, đã để lại hơn 600 ca khúc tuyệt tác. Chưa kể, những thi sỹ, nhưng nhà văn, những nhà báo, những họa sỹ, nhà điêu khắc, những nhà chính trị tiếng tăm, nhà quân sự lừng danh… thậm chí, những nhà nội trợ tài hoa đã cống hiến các món ăn Huế rất khéo tay, vừa trông rất mỹ thuật vừa ngon lành, hoặc những cô gái Huế nhan sắc mặn mà làm mọi người rung động lẫn yêu mến!

Còn gì nữa không?
Còn nhiều nữa!

Đặc biệt nhất, kỳ diệu nhất, lạ lùng nhất mà các nơi khác ít có: Huế đã sản sinh ra một bậc Bồ-tát mà tôi bạo gan gọi là: Bồ-tát Huế Rặt.

Người đó là Bác Phạm Đăng Siêu...

Trước tiênchúng ta thử tìm hiểu Bồ-tát nghĩa là gì?

Bồ Tát (菩薩) là lối viết tắt của Bồ-đề-tát-đóa (zh. 菩提薩埵, sa. bodhisattva), cách phiên âm tiếng Phạn bodhisattva sang Hán-Việt, dịch ý là Giác hữu tình (覺有情), hoặc Đại sĩ ( ). Trong Phật giáo Đại thừaBồ Tát là một hành giả sau khi hành trì các Ba-la-mật-đa đã thành tựu Phật quả, nhưng nguyện không nhập Niết-bàn khi chúng sinh chưa giác ngộ.

Yếu tố cơ bản của Bồ Tát là lòng Từ bi đi song song với Trí huệ. Chư Bồ Tát thường cứu độ chúng sinh và sẵn sàng thụ lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sinh cũng như hồi hướng phước đức mình cho kẻ khác. Con đường tu học của Bồ tát bắt đầu bằng tu tập Bồ-đề tâm và thực hành Bồ Tát hạnh nguyện.

Những người có tấm lòng bao la

Thật ra trong đạo Phật, người ta hiểu từ Bồ Tát với nghĩa khá rộng, không hẳn chỉ là những vị Bồ Tát thần thông quảng đại ẩn hiện khắp nơi trên cõi cao vời, mà còn là những người có tấm lòng độ lượng nhân ái, sống giữa cuộc đời thực tế này. Chính vì ý nghĩa rộng lớn của Bồ Tát như vậy nên hình ảnh của đạo Phật gần gũi, đẹp đẽ và sống động.

Một người được gọi là Bồ Tát là người thương yêu mọi người xung quanh mình, sẵn lòng giúp đỡ khi có thể, dường như chẳng thấy giận ghét ai. (theo từ điển Wikipedia)

Trong bài viết này, chúng ta tạm chấp nhận những định nghĩa đơn giản vắn tắt sau:

Một chúng sanh đã giác ngộ, nhưng thõng tay đi vào chợ triền, để hóa độ tất cả chúng sanh khác. Chúng ta gọi là Bồ-tát chân chính.

Hoặc một chúng sanh mới thức tỉnh, vừa tu tập vừa phát nguyện cứu vớt mọi chúng sanh khác. Chúng ta gọi vị này là Bồ-tát sơ-phát-tâm.

Nhưng, trong cuộc sống đời thường, Bồ-tát chân chính và Bồ-tát sơ-phát-tâm đều có những hành trạngsự nghiệp, công việc cứu độ, tâm trạng xả kỷ… tương tự như nhau.

Vì thế, tôi không ngại gọi bác Phạm Đăng Siêu là Bồ-tát chân chính.

Bác Siêu là người Huế, sinh trưởng tại phố Huế, ngay tại đường Phan Đăng Lưu, phường Phú Hòa bây giờ. Dòng dõi quyền quý, con cháu nhiều đời của Đức Quốc Công, Phạm Đăng Hưng. Gia đình khá giả. Lớn lên cũng vợ con như bao người khác. Đời sống dân phố thị thì đương nhiên dễ thở hơn dân nhà quê, dân bưng thúng đội nia nhiều. Gia đình bác thường dùng cơm trắng, nước máy Vạn NiênBữa ăn có cá thịt, thức ăn thừa dành cho con chó Đốm.

Nhưng đến năm trên 30 tuổi, hôm nọ bác giật mình tự hỏi:

Ta là ai? Đang làm chi giữa cuộc đời này? Rồi ta sẽ đi đâu, về đâu?

Tại sao đời lắm kẻ đau khổ? Làm sao cho họ bớt khổ, được không?

Những câu hỏi ấy, cứ lẩn quẩn trong đầu óc, cứ bay lui bay tới trong trái tim. Cứ rộn ràng trong tâm hồn lửa cháy. Nặng chình chịch trên vai trên lưng, chẳng khác chi đang đội đá, gánh chiếc vạc ngàn cân.

Bác loay hoay. Quên ăn biếng ngủ. Ờ, mà làm sao ngủ giấc ngon khi trong ta, những tiếng gọi vô thanh kia đang lập lờ giữa cơn mê, đang bùng nhùng trong chân trời đảo điên ngoài nớ?

Cho đến một hôm, bỗng dưng ngước lên nhìn Đấng Đạo Sư của nhân gian đang nở hoài nụ cười bất tuyệt. Những tư duy bỗng bùng nổ. Bác đã tìm ra phương thức cho riêng mình, để cứu độ những chúng sanh đã từng mê ngủ như bác.

Không! Chúng sanh chẳng hề khổ vì thiếu gạo, thiếu tiền. Chúng sanh không bao giờ khổ vì neo đơn, tàn tật, bệnh hoạn không chỗ dựa nương.

Mà chúng sanh muôn đời chỉ đau, chỉ khổ vì thiếu lòng thương (từ tâm), thiếu lòng lành (thiện tâm). Chúng sanh khổ vì không bao giờ biết chia xẻ cho bất cứ ai một hào, buông xả một ly, một cọng cỏ. Chính vì vậy mà họ khổ đau triền miênliên tục từ đời này sang kiếp khác. Không ngừng nghỉ.

Hiểu và thông suốt ngọn nguồn rồi, bác lên đường và ra tay “hành động”.

BÁC SIÊU CHO GẠO

Bác Phạm Đăng Siêu đã hành động như thế nào? Chúng ta không thể biết, vì đó là phương tiện thiện xảo của riêng bác.

Và, kể từ dạo ấychúng ta thấy trên khắp đường phố, trên khắp lối đi ngoằng ngoèo ở thôn quê, trên bất cứ con đường lầy lội, ổ gà cheo leo nào - đều thấy một người đàn ông, gầy ốm, bước từng bước, vai đeo túi gạo. Chi rứa? Đi từng nhà, từng nhà, bất kể giàu nghèo, không phân biệt, để xin từng chút gạo, từng dúm gạo, - tiếng Huế gọi là từng nạm gạo. Thế thôi.

Thương xót chúng sanh
mang tâm hồn quá chật
Nên Bác đã gõ cửa từng nhà từng nhà
Xin một chút thiện tâm
“Hãy hé mở tấm lòng
để pháp giới mở toang”
“Hãy thí xả chút vật chất,  
Để tâm linh
muôn đời không còn túng thiếu!”

          Rồi bác làm chi với số nạm gạo ấy? Anh hỏi tui, mần răng tui biết, vì chính bác mới biết chứ?

          Thật ra, bác sẽ gom góp lại. Và đợi đến khi nào có một người nào đó yêu cầu, thì bác sẽ đem đến cho họ.

          Vậy thì cũng xem bác như làm từ thiện? 

Phải không?

          Bác không bao giờ làm từ thiện theo cách nghĩ thông thường. Không bao giờ đi xin kẻ có của về để ban phát cho những người kém may mắn hơn.

          Rứa bác mần chi với số gạo ấy?

          Bác đem một số gạo chừng 20 lon gạo, (khoảng 5 ký-lô gạo), cùng với số tiền cũng khiêm tốn, hồi đó là 10 đồng, hoặc 20 đồng. Với tặng phẩm ít ỏi thế, eo sèo thế, chỉ để qua cơn ngặt trong nhất thời mà thôi, chứ không thể đổi đời được. Và, cách cho quý hơn của cho…

Nghe kể như thế này: Khi trao tặng phẩm đến người nhận, bác ân cần nói như ri:

          - Hãy tu đi, đời sẽ bớt khổ. Hãy cố gắng chia xẻ cho những người xung quanh, rồi chính mình sẽ xa lìa khổ não!

          Bác dặn dò tha thiết:

          - Trước khi nấu cơm, làm ơn bớt ra một nạm gạo, không ảnh hưởng gì đến khẩu phần của từng người. Rồi bỏ vào trong một cái hũ, hoặc cái lon bơ. Vừa bỏ, vừa niệm Nam mô A di đà Phật. Cuối tháng, tui sẽ ghé nhà để nhận số gạo ấy, ít nhiều gì cũng được. Chỉ cần cái Tâm mà thôi.

Có nhiều người hiểu được ý bác và đã làm theo lời dặn dò ấy. Họ trở thành một người có Tâm Cho thật sự. Dù nghèo cực đến mấy, mà ta biết duy trì cái Tâm Cho (biết chia xẻbuông xả), thì tâm hồn chúng ta trở nên lớn rộng hơn, tươi xanh hơn, gần với đức Phật hơn. Thế thôi!

Cũng lắm kẻ không hiểu ý hướng của Bác, mỗi lần nấu cơm đã quên không “bốc một nạm gạo bỏ vào hũ”, đến khi Bác ghé nhà, họ lật đật vào trong buồng đong một mớ gạo rồi trao cho Bác.

Họ phớt lờ lời dặn: mỗi khi nấu cơm phải “bốc một nạm gạo bỏ vào hũ” hàng ngày, và niệm Phật: đó mới là làm một việc quan trọng nhất để phát triển Tâm Cho, Tâm Nghĩ Đến Người Khác, Tâm Chia Xẻ

Bác vẫn biết, nhưng im lặng không nói gì. Gặp đối tượng cần được giáo dục lâu dài, thì Bác vẫn kiên trì con đường của mình. Dần dần rồi họ sẽ hiểu, hy vọng thế.

Từ dạo ấy, dân chúng xứ Huế bắt đầu biết đến một người quá đỗi lạ lùng: trong khi mọi người đều quan tâm duy nhất đến việc kiếm miếng ăn cho bản thân và gia đìnhthì giờ đây, xứ Huế lại xuất hiện một người chuyên đi xin gạo và cho gạo!

Thử nghĩ: Xem có quái đản, kỳ cục không?

GIÁO DỤC CON NGƯỜI

Con người, bất kể con người nào, không phải khi sinh ra là đã đầy đủ “bản tính người”, mà họ thường mang theo những thói hư, tật xấu từ muôn ngàn kiếp trước. Cho nên, nhiệm vụ của các bậc Bồ-tát là phải giáo dục họ bằng cách này hoặc cách khác. Không phải giáo dục họ một đời, một kiếp, mà xong đâu!

Có thể Bồ-tát phải trường kỳ như vậy đến trăm ngàn kiếp, ức triệu kiếp dài xa, và phải làm như vậy hoài hoài không mỏi mệt, không chán nản…

          Thông thường, các nhà làm từ thiện thì chỉ đơn giản: đem tiền bạc hoặc vật chất đến để tặng, cho, biếu không, giúp đỡ. Rồi thôi. Làm như vậy đáng được hoan nghênh, đáng được khâm phục, khen ngợi. Nhưng, đó không phải là những việc mà Bác Siêu cần làm. Bởi vì Bác còn là một nhà giáo dục nữa. (từ ngữ Giáo Dục là từ ngữ của chúng tôi, nguyên văn bác nói như thế này: Tôi phải bày vẽ cho mọi người tu tập, biết thương người khác và luôn chia xẻ cho tha nhân!)

          Bác sẽ trao tặng người ta một thứ cần thiết nhất: chính là gạo và tiền. Vì mọi người cần ăn no, cần tiêu xài. Cho nên, bác mượn cái việc cho tiền tặng gạo, (dù ít thôi) để giáo dục họ phát triển từ tâm (lòng thương) và thiện tâm (lòng lành). Từ đó, người ta sẽ biết chia xẻ, biết mở rộng tấm lòng trước những nỗi khổ của người khác.

          Quần chúng rất cần được giáo dục, và muốn việc giáo dục ấy được hiệu quả thì Bồ-tát phải kính trọng và yêu mến con người, như những vị Phật. Không vì kẻ giàu, kẻ sang, mà tỏ ra tôn trọng hơn. Không vì kẻ nghèo mà tỏ ra khinh nhờn, bạc đãiquên lãng.

Dưới mắt Bác, tất cả mọi người đều là Bạn Nghèo.

Đừng tưởng rằng, những vị có tiền triệu, bạc tỷ mà chúng ta cho rằng họ là những người giàu có. Đối với bác, họ vẫn là kẻ nghèo  trụi lụi. Nghèo cái gì? Nghèo từ tâm, nghèo thiện tâm, nghèo trí tuệ, nghèo khiêm cung, nghèo chia xẻ, nghèo… đủ thứ trên đời, khiến họ thường để cho lòng ích kỷ, lòng tham lam, lòng kiêu căng hành hạ mình đủ cách mà không hiểu tại sao tui khổ như ri?

Bác thường nói:

Suốt đời, tui chỉ sống vì Bạn Nghèo mà thôi.

Các người thân cận thì đương nhiên hiểu được ý hướng Bác. Còn phần đông những người đi theo Bác đều hiểu sai lạc ý nghĩa của câu nói này.

Có lần, Bác phải buộc phải giải thích như sau. Bác nói:

- Như bà X. kia kìa. Bà ta có rất nhiều tiền, khi nào tui hô lên, là bà sẵn sàng cho cả chục tạ gạo, nhưng bà vẫn nghèo. Như ông Y. chẳng hạn, xe hơi, nhà lầu ngang dọc mấy cái, nhưng thiệt ra, ông ta vẫn cứ nghèo. Nghèo hung. Vì răng rứa? Tâm hồn các vị này còn ưa khoe khoang, ưa nổi trội, chứ không thực sự biết thương người, thông cảm với kẻ cùng khổ. Họ chỉ a dua, làm việc thiện cốt để tôn vinh cá nhân mình. Như vậy càng hành thiện thì càng kiêu căngngã mạn, chứ có ích gì?

          Bác không những có bổn phận giáo dục những người khố rách áo ôm, những kẻ cởi trần ra không có đồng xu teng nào - mà bác còn chăm lo, giáo dục bao kẻ tâm linh rỗng tuếch mà “cứ tưởng là mình giàu có”, hạ tiện, keo lẫn bậc nhất mà cứ ngỡ mình sang trọng, cao quý thế kia. Họ ưa thích đi theo Bác để được khen, được trọng, để có thể nâng cao vị thế của họ trong xã hội.

Nhưng, không sao! Bác vẫn rộng mở vòng tay mời đón nhiệt tình, cốt để “bày vẽ cho họ biết tu tập”, vì họ cũng đáng thương như ai.

Nói chung, Bác không có phân biệt kẻ kia, kẻ này - mà đối với Bác, tất cả đều là những người bạn nghèo. Tất cả đều cần được cứu trợ, cách này hay cách khác. Người thiếu gạo, thiếu tiền, thì bác đem gạo và tiền đến và dạy họ hãy biết chia xẻ. Người thiếu lòng từ bi, thương xót - thì Bác dạy họ mở rộng lòng để yêu thương. Đối với tất cả mọi người, Bác luôn khuyến khích tu trìNiệm Phật và lạy Phật cho nhiều, và giữ tâm bố thí, tâm cúng dường, tức là Tâm Cho, Tâm Xả Bỏ, Tâm Quên Mình…

Con đường giáo dục chúng sanh thì không bao giờ cùng tận....

          Hồi ở Đà Lạt, tôi đã từng nghe những câu chuyện về Bác Siêu. Một người Huế Rặt, đã làm những việc không ai làm được. Nhất là dám nghĩ được những điều không ai muốn nghĩ ra. Đó là cái Chánh Kiến đúng đắnchân thật của một người con Phật. “Người ta khổ chỉ vì thiếu từ tâmthiện tâm. Nếu biết chia xẻkhổ não sẽ chấm dứt, và do đó, người ta sẽ hoan lạchạnh phúc miên man đến tột cùng”.

          Anh hay Chị sẽ nghĩ như thế nào?

          Nếu anh hay chị dám nghĩ như vậy, thì anh chị đã là Một Bác Siêu rồi. Bởi vì người ta khác nhau ở cách nghĩ, và trong đời thường, anh chị sẽ có “một tấm lòng” và “biết thương yêu” hơn, rồi sẽ biết chia xẻ hơn.

          GẶP GỠ KỲ NHÂN

Ra Huế năm 1978, tôi định tìm bác Siêu để bái kiến một kỳ nhân cho thỏa lòng hâm mộ. Nhưng, buôn bán, công việc lu bù. Tưởng rằng, bản tánh lười biếng, nhác nhớm, cứ hẹn rồi quên, nhưng thật ra, muốn diện kiến một người như bác không phải là chuyện đùa. Phải có nhân duyên thuận tiện và thích hợp. Không lẽ đường đột, xồng xộc đi vào đạo tràng nào đó, và nói: Cho tui gặp bác Siêu?

Mãi đến mùa hè 1980, khi đang ở trên phố, tình cờ gặp anh Kiệm, bạn cũ, hỏi tôi:

- Anh muốn gặp Bác Siêu không? Nhóm chúng tôi hiện sắp sửa tụng Lương Hoàng Sám ở trong thành nội.

Tôi thích thú thấy rõ:

- Anh Kiệm cho tui đi với?

Thế là tôi bỏ ngang công việc nửa chừng, theo anh Kiệm đi vô Tây Lộc, đường Lê Ngã gì đó.  Chúng tôi đến thì đã có sẵn trên mười người đang chuẩn bị hành lễ.

Lương Hoàng Sám là một bộ kinh sám, ý nghĩa rất vĩ đại và nội dung phong phú, dạy chúng ta phát bồ-đề tâm, và chuyển hóa cuộc sống. Kinh gồm 10 cuốn, hôm đó, chúng tôi tụng cuốn 1, kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Tụng xong, anh Kiệm dẫn tôi ra trước một người, nói:

- Đây là Bác Siêu!

Một người đàn ông cao tuổi, mặc áo dài đen đã bạc màu, thấp bé, hơi gầy. Đôi mắt sáng. Khuôn mặt trong veo. Mũi thẳng, vầng trán cao, tràn trề nghị lực. Giọng nói hiền hòa.

Tôi chắp tay:

Nam mô A di đà Phật! Thưa bác! Nghe bác từ lâu lắm, mà bữa ni mới có nhân duyên hội ngộ…

Bác cũng chắp tay:

Nam mô A di đà Phật!

Bác ra vẻ ít nói. Tôi cũng không biết nói chi. Thôi, buổi sơ ngộ thì như thế này cũng được rồi.

Bỗng người chủ nhà mời dùng cơm vì trời đã tối. Bác Siêu vui vẻ:

- Mời anh ra dùng bữa. Chúng ta sẽ nói chuyện sau.

Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng vẫn làm tôi thích thú, dường như đã khám phá và “cảm” một nhân vật quý hiếm nhất của hàng ngũ mà xưa nay thường tự xưng là con người.

GẶP GỠ TRONG TƯ TƯỞNG

Mãi đến mùa hè năm 1985, tôi mới có dịp nói chuyện lâu cùng Bác.

Hôm ấy, tôi đi theo anh Kiệm làm lễ cầu siêu về muộn, gia đình anh Kiệm đã bày sẵn tiệc chay để mời toàn thể đạo tràng. Người tham dự khá đông, cá nhân tôi bị dồn ngồi cạnh Bác Siêu. Ngẫu nhiên thôi.

 
 

Qua vài chuyện bâng quơ, hình như “đã đến lúc thuận duyên”, Bác nhìn đám đông đang mời nhau dùng bữa và nói đủ thứ chuyện vui vẻ, Bác Siêu nói với tôi vừa đủ nghe:

- Những người này đi theo tui, và có một số rất ít tạm gọi là thông suốt con đường của tui. Còn lại là những người không hiểu gì về hạnh nguyện lẫn lý tưởng của tui cả.

Tưởng tôi nghe chưa rõ, Bác lại lập lại lần nữa:

- Tui không bao giờ làm từ thiện theo cách nghĩ của quần chúng. Những việc tui làm là khuyến khích quần chúng thực hành cái việc “bỏ gạo hàng ngày” để phát triển lòng thương. Nhưng về sau, hoàn cảnh đất nước tang thương và thân phận con người cũng bi đát, do đó con đường hành đạo phải thay đổi theo. Có thể gọi là chuyển biến tích cựctự nhiên.

Ban đầu, tôi chỉ hành đạo một mình, sau đó một thời gian, nhiều nhà hảo tâm, nhiều thanh niên, giáo viên vân vân gia nhập. Sau năm 1947, chiến tranh Việt Pháp nổ ra, rồi biến cố Mậu Thân 1968, khiến thiên hạ chết rất nhiều, gia quyến cần hộ niệm và cầu siêu, do đó chúng tôi không thể làm ngơ trước nhu cầu của những người tin Phật. Chúng tôi bèn đến tận nhà để tổ chức các buổi cầu siêu và hộ niệm cho những kẻ không may qua đời vì tai nạn chiến tranh. Ủy lạo người còn sống. Chưa kể, các bác lớn tuổi, các cậu thanh niên và cả tui nữa phải chịu khó thực hiện các việc tế toái như: Dựng nhà, lợp mái nhà, tu bổ đường xóm… hoặc hỗ trợ mọi người qua khỏi tai ách, mỗi khi bão lụt vừa xong, hay địa phương ấy trải qua cơn binh lửa, nhà cửa bị cháy và hư hại gần hết.

Như vậy, chúng tôi ngoài công tác cứu trợ, còn đảm nhiệm luôn công việc giúp người khác tu tập, hoặc quy y tam bảo và hướng đến điều lành, thương người, biết chia xẻ với tha nhân. Thế thôi.

Nhưng, tui bị họ gán là: Bác Siêu chuyên môn cho gạo. Thật ra, cho gạo chỉ là một phần trong số công việc chúng tôi làm. Vì sao? Cho người ta ăn no, cũng không giải quyết được gì. Phải tu tập mới thoát khỏi khổ não.

Tôi thành tâm tán thán:

- Như vậy mới đúng lời Phật dạy. Giúp người ta có cái ăn, rồi khuyến khích họ tu tập…

- Bây giờ trở thành nhóm người truyền bá chánh pháp và cứu trợ. Tự nhiên chuyển hóa như vậy cũng phù hợp chánh kiến và không trở ngại lý tưởng của mình.

- Vậy, thưa Bác, Bác vẫn dạy họ thực hành đúng lời Phật chứ…?

- Tôi có dạy nhiều rồi, đến lúc không cần nói nữa. Cũng may là nhờ Chư Phật điều động một vị trưởng lão và một tu sỹ, luôn luôn ở bên cạnh tui. Hai vị này thường hướng dẫn, nhắc nhở họ sao cho đi đúng đường. Rứa thôi.

Thường thườngquần chúng ít khi hiểu đạo Phật là gì. Chỉ sống theo thói quen, cách nghĩ đời thường mà thôi. Họ luôn muốn biến cái đạo giải thoát cao cả của Ngài trở thành nhu cầu gần gũi, cần thiết cho họ. Những tinh túy sẽ bị phai nhạt dần. Nhưng, một số ít người vốn gieo trồng nhân duyênphước đức sẽ nhận được những gì chân chánh của đạo Phật, còn đám đông kém nhân duyên hơn thì… “hãy đợi đấy”!

- Vâng, thưa bác.

Bác nói chậm và nhỏ, nếu không lắng tai và chuyên chú thực sự thì không nghe được.

VỀ MỘT CON NGƯỜI

Đêm ấy, về nhà, không làm sao ngủ được.

Tôi viết những cảm nghĩ của mình, trích ở cuối bài này, như một kỷ niệm về Bác, một con người - theo tôi, đúng nghĩa con người chân thật, mặc dù có thể gọi là Bồ-tát Huế Rặt!

Trọn một đời hóa đạo Bác, hoàn toàn không ra khỏi Huế và Thừa Thiên. Đối tượng hành đạo của Bác cũng chỉ là những người Huế mà thôi. Khi nhân duyên thế gian đã hết, Bác ra đi lặng lẽ như khi đã đến, và tấm thân tứ đại giả hợp được gởi một tại khuôn viên Tháp địa của Tổ đình Tường Vân, thuộc xã Thủy Xuân, thành phố Huế.

Tôi rất tiếc một điều là, tôi không thể đi theo Bác như một người thân cận. Vì sao?

Hồi gặp Bác, tôi đã trải qua một quá trình tu học căn bản dưới sự hướng dẫn của Ông Thầy Huế Ròn, sau đó, theo hòa thượng Thích Thiền Tâm chuyên học giáo lý uyên nguyên của 13 vị tổ sư Tịnh độ (trước 1975), và các Bậc Thầy khác…

Như vậy, con người tôi đã có niềm tin và tư tưởng, nhất là đã lập chí nguyện sẵn, luôn quy hướng Tịnh độ và lấy sáu chữ Nam mô A di đà Phật làm chánh hạnh duy nhất. Không dễ gì thay đổi được. Tuy hơi khác về cung cách biểu hiện và hành trì, nhưng đều nằm trong Phật Đạo cả. Tuy khác đường đi nhưng đều cùng về một cứu cánh chân thật.

Thỉnh thoảng có điều kiện, tôi vẫn tham gia tụng niệm hay tặng quà cho những người nghèo với nhóm của Bác. Có lẽ Bác biết vậy, mỗi khi gặp, vẫn nhìn tôi với cặp mắt xanh, dưới ánh sáng giác ngộ của đấng đại bi.

KHÔNG CÓ ĐỆ TỬ

Bác Siêu vẫn một mình một bóng trên bước đường hành đạo. Tuy có một đám đông quây quần quanh Bác, để cùng đi cho gạo, đi tặng quà, hoặc đi tụng kinh niệm Phật với Bác. Thấy có vẻ rộn ràng, náo nhiệt, nhưng Bác vẫn thản nhiêntự tại như khi làm việc một mình.

Hôm nọ, ngẫu nhiên gặp Bác đạp xe cọc cạch trên đường một làng quê cũng gần Huế, tôi chào Bác bằng sáu chữ Nam mô A di đà Phật, rồi vừa đạp xe vừa thuận miệng hỏi:

- Vậy các người đệ tử của Bác đâu rồi, để bác đi một mình như rứa?

Bác cười nhẹ:

- Tui không có đệ tử. Tất cả những người bao vây quanh tui, chỉ là những người đi theo. Lâu dần, họ trở thành thân cận. Tui không bao giờ mời mọc mà họ thích, họ cứ tới. Rủ nhau tới. Rồi cùng chia nhau mà làm việc. Nếu không có ai, rứa là tui sẽ làm việc một chắc như những ngày đầu. Có răng mô? (có sao đâu?)

Tôi tỏ ra hiểu ý Bác:

Con đường này chỉ có một mình Bác mà thôi. Độc bộ, độc hành như rứa là đúng với lời dạy của Thế Tôn, trong bản kinh quan trọng nhất: Người biết sống một mình.

Thế nào là Người biết sống một mình?

Một mình một nơi, ca ngợi hạnh sống một mìnhmột mình đi khất thựcmột mình ra khỏi xóm làng, một mình ngồi thiền, thế thôi.

Phật dạy: - Nhưng ta biết có một cách sống một mình thật sự mầu nhiệm. Đó là quán chiếu để thấy rằng quá khứ đã không còn mà tương lai thì chưa tới, an nhiên sống trong hiện tại mà không bị vướng mắc vào tham dục. Kẻ thức giả sống như thế, tâm không do dự, bỏ hết mọi lo âu, mọi hối hậnxa lìa hết mọi tham dục ở đời, cắt đứt tất cả những sợi dây ràng buộc và sai sử mình. Đó gọi là thật sự sống một mình. Không có cách nào sống một mình mà mầu nhiệm hơn thế.

Rồi đức Thế Tôn nói bài kệ sau đây:

Quán chiếu vào cuộc đời
Thấy rõ được vạn pháp
Không kẹt vào pháp nào
Lìa xa mọi ái nhiễm
Sống an lạc như thế
Tức là sống một mình.

Bác luôn ở giữa đám đông, nhưng vẫn thấy mình đang ở một mìnhAn nhẫnTự tạiHoan lạc. Điều ấy không phải ai cũng làm được.

XONG VIỆC LÀ THÕNG TAY RA ĐI

Cuối mùa xuân năm ấy, một người bạn ghé nhà báo tin: Bác Siêu đã qua đời!

Tôi cười:

- Anh nói có nhầm không? Những người như Bác Siêu thì không bao giờ chết. Bác vẫn sống bên cạnh những người luôn trau giồi từ tâmthiện tâm, và luôn luôn chia xẻ những nỗi đau với những người cùng khốn…

          Ông bạn kia ra vẻ ngạc nhiên tột độ, vội vàng đạp xe chạy thẳng ro một mạch.

          …

Việc gần như xong, Bồ-tát có thể nghỉ mệt!

Thật ra, Bồ-tát làm việc thì luôn bất chấp thời gian, vì thời gian vốn không thật có. Đức Phật dạy:

Thời gian và không gian chỉ là cái cùm giả huyễn đã đeo cứng tất cả chúng sanh, khiến chúng sanh đau khổ từ đời sống này tới đời sống khác. Cổi ra, hoặc đập vỡ được cái cùm này, tức là Giải thoát.

          Bao nhiêu năm gắn bó với thân xác, nhờ cậy nó mà ta đã làm được nhiều công việc. Đã đến lúc nói lời chia tay - tứ đại phải trả về cho tứ đạingũ uẩn phải trả về hư không.

Nghỉ ngơi một chốc, rồi ta lại bày cuộc mới.

Có ai buồn miệng, ngớ ngẩn hỏi như ri:

- Bác Siêu ơi, Bác ở mô bây chừ?

VỀ MỘT CON NGƯỜI

Hãy trả Bác Siêu,
Về với những bạn nghèo,
những người khốn khó,
Hãy trả Bác Siêu,
Về với đạo tràng âm vang chuông mõ,
Chiếc xe đạp cà tàng cọc cạch thấu xa xăm,
Chiếc mũ rộng vành che khuất tháng năm
Ánh mắt cô liêu
Nụ cười lặng lẽ
Giọng nói ôn tồn nhỏ nhẹ
Nhưng đôi vai vác cả cõi Vô Cùng…

Hãy trả Bác Siêu
Về với nhịp bước thong dong,
Đi qua xóm
Đi qua làng,
Đi qua phố phường bụi bặm
Nhễ nhại mồ hôi đọng làn da rám nắng
Nhận và cho
Cốt sưởi ấm vạn lòng người,
Cho và nhận
Làm cuộc sống ngập niềm vui
Thay tiếng cảm ơn
Bằng câu Nam mô A di đà Phật!

Hãy trả Bác Siêu
Về với những gì chân chất
Mộc mạc và đơn sơ
Khuôn mặt nhu hòa
Mà trái tim dàn dụa biển yêu thương
Bàn tay mềm mà ý chí kiên cường
Bởi con đường Cứu Độ
Thì không bao giờ cùng tận…

Thương xót chúng sanh mang tâm hồn quá chật
Nên Bác đã gõ cửa từng nhà từng nhà
Xin một chút thiện tâm
“Hãy hé mở tấm lòng để pháp giới mở toang”
“Hãy thí xả chút vật chất,     
Để tâm linh không còn túng thiếu!”

Thương xót kiếp người mang bộ xương hèn yếu
Nên Bác nguyện làm người thợ xây
Miệt mài giữa mưa nắng đổi thay
Đem vôi vữa Trí Bi dựng lên nền Vô Úy!

Thương xót thế nhân ngủ hoài trong mộng mị
Ôi con chuột trăm năm gặm nhấm nỗi u sầu
Tự giam mình trong lưới nhện lo âu
Nên Bác xin cúng dường chút Đức Tin kiên cố!

Hoa chánh kiến nở giữa lòng người sùng mộ
“Trọn đời này quyết một dạ tam quy!”

Xin chớ tôn vinh Bác bằng từ ngữ kiêu kỳ
Như thánh nhân, bồ-tát,
Hoặc sư trưởng, chưởng môn nhân,
Đừng sơn phết Bác Siêu thành một tượng thần
Bởi đạo Phật đã dạy chúng ta
Chối bỏ muôn ngàn thần tượng!

Chớ đưa Bác vào chân trời ảo tưởng
Bởi vì Bác đã vượt ngoài hí luận thế gian!
Chớ ngợi ca Bác bằng nhãn hiệu cao sang
Vì chính Bác
Vốn thản nhiên trước mọi lời chúc tụng!

Chớ cung nghinh Bác bằng lư trầm, võng lọng,
Mà nên mời Bác với tâm niệm thiệt thà!
Chớ rước Bác ngồi trên sập gụ kiêu xa
Mà hãy để Bác đứng trên nền đất thô nhám!

Xin anh đừng tán thán
Xin chị đừng đề cao
Hãy để Bác Siêu giản dị như thưở nào!
Một mình đi qua xóm
Đi qua làng
Đi qua phố phường bụi bặm
Nụ cười hiền và đôi mắt thăm thẳm
Đem tình thương rải khắp nẻo xa xôi!

Và…
Suốt một đời,
Bác Siêu
Chỉ nhân danh hai chữ:
Con Người!

Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật

NGUYỄN XUÂN CHIẾN 
(QUYẾT VÃNG SANH - 1985)

Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Email *
Tiêu đề *
Nội dung
Nhập các ký tự bên cạnh vào đây:
Trang: [1]2 3 4 5 6 7 8 9 10 » Trang cuối
Xem nhiều Phản hồi nhiều nhất
Hình ảnh hoạt động
Liên kết Website
Quảng Cáo
Thông tin truy cập