>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Thần chú
Nguồn gốc của Chú Đại Bi hiện nay đa số Phật tử thường đọc được trịch từ Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp hướng dẫn trì tụng Chú Đại Bi. Nhân đây có thể gây hoang mang cho một số Phật tử bước đầu học đạo, không biết nên tu tập theo phương pháp nào cho đúng, cho hợp chánh pháp.
Này các Phật tử! Khi có tâm nghi ngờ, hoang mang không biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là chánh pháp, đâu là phi pháp, thì các Phật tử nên quay về quy y đức Phật, y theo lời Phật dạy để thực hành. Này các Phật tử! Đa số tất cả các câu hỏi của Phật tử và chúng sanh đều đã được đức Phật giải đáp cụ thể trong Kinh điển. Do chư Phật tử chưa đủ duyên nên chưa rõ Kinh nào giải đáp thỏa mãn được câu hỏi, thắc mắc của mình.
Phương pháp tụng Chú Đại Bi được giải thích rõ trong Kinh, Phật tử y theo đó thực hành thì không sợ đi lạc đường, thiện căn ngày càng tăng trưởng.
1. Bắt đầu tụng chú:
Khi bắt đầu tụng chú, trước tiên phải phát tâm từ bi đối với chúng sanh. Nghĩa là quý Phật tử phải thả lỏng tâm, đừng để cơ thể, đầu óc căng thẳng. Nếu quý Phật tử đang có suy nghĩ hận thù, ghét, khó chịu, vui thích, lo lắng, suy nghĩ về ai đó hay điều gì, trước khi tụng chú, cũng phải nên thả lỏng tâm, xả bỏ hết những suy nghĩ trong đầu, để tâm yên tĩnh. Phương pháp thả lỏng tâm rất dễ, quý Phật tử chỉ cần chú ý đến chỗ đang căng thẳng, chỗ đang ghét yêu giận hờn, suy nghĩ trong đầu, thả ra, buông nó ra, thì tự nhiên tâm được thả lỏng.
Nếu quý Phật tử phát sinh lòng nghi ngờ, quý Phật tử cũng phải nên tập trung vào chỗ nghi ngờ trong tâm, buông xả, thả lỏng nó, thấy được chỗ tĩnh lặng trong tâm rồi, khi đó bắt đầu tụng chú.
Trong Kinh có ghi:
“Quán Thế Âm Bồ Tát lại bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu chúng sanh nào trì tụng thần Chú Đại Bi mà còn bị đọa vào ba đường ác, tôi thề không thành chánh giác. Tụng trì thần Chú Đại Bi, nếu không được sanh về các cõi Phật, tôi thề không thành chánh giác. Tụng trì thần Chú Đại Bi, nếu không được vô lượng tam muội biện tài tôi thề không thành chánh giác. Tụng trì thần Chú Đại Bi tất cả sự mong cầu trong đời hiện tại, nếu không được vừa ý, thì chú này không được gọi là Đại Bi tâm đà ra ni, duy trừ cầu những việc bất thiện, trừ kẻ tâm không chí thành. Nếu các người nữ chán ghét thân nữ, muốn được thân nam, tụng trì thần Chú Đại Bi, như không chuyển nữ thành nam, tôi thề không thành chánh giác. Như kẻ nào tụng trì chú này, nếu còn sanh chút lòng nghi, tất không được toại nguyện. Nếu chúng sanh nào xâm tổn tài vật, thức ăn uống của thường trụ sẽ mang tội rất nặng, do nghiệp ác ngăn che, giả sử ngàn đức Phật ra đời cũng không được sám hối, dù có sám hối cũng không trừ diệt. Nếu đã phạm tội ấy, cần phải đối mười phương Ðạo sư sám hối, mới có thể tiêu trừ. Nay do tụng trì Chú Đại Bi liền được trừ diệt. Tại sao thế? Bởi khi tụng Chú Đại Bi tâm đà ra ni, mười phương Ðạo sư đều đến vì làm chứng minh, nên tất cả tội chướng thảy đều tiêu diệt. Chúng sanh nào tụng chú này, tất cả tội thập ác ngũ nghịch, báng pháp, phá người, phá giới, phạm trai, hủy hoại chùa tháp, trộm của tăng kỳ, làm nhơ phạm hạnh, bao nhiêu tội ác nghiệp nặng như thế đều được tiêu hết, duy trừ một việc: kẻ tụng đối với chú còn sanh lòng nghi. Nếu có sanh tâm ấy, thì tội nhỏ nghiệp nhẹ cũng không được tiêu, huống chi tội nặng? Nhưng tuy không liền diệt được tội nặng, cũng có thể làm nhân Bồ đề về kiếp xa sau.”
2. Tụng chú
Có 3 phương pháp tụng chú: (1) đọc rõ thành tiếng; (2) đọc nhép miệng, hoặc âm rất nhỏ chỉ người đọc nghe được; (3) đọc thầm trong tâm.
Mục đích của việc tụng chú là dùng âm thanh của chú, và cách đọc chú làm cho tâm trong sạch, không còn phiền não, không còn suy nghĩ lăng xăng trong đầu, nhờ đó tâm được định tĩnh. Khi tâm được định tĩnh, đây được gọi là giải thoát, nghiệp chướng tiêu trừ. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh lúc bắt đầu trì chú mà quý Phật tử có thể chọn 1 trong 3 cách trên. Tuy nhiên, có một số lưu ý khi tụng chú cho mỗi phương pháp.
(1) Đọc rõ thành tiếng:
Khi tụng chú theo cách này, phải đọc chú từ tốn, rõ ràng, không đọc quá nhanh, cũng không đọc quá chậm. Khi đọc phải chú tâm vào âm thanh của chú, đừng để cho suy nghĩ trong đầu kịp khởi lên. Khi suy nghĩ khởi lên, dùng tâm trụ vào âm thanh của chú. Duyên theo âm thanh đó, tự nhiên suy nghĩ phiền não trong đầu tan mất.
Nếu đọc chú quá nhanh, thì miệng đọc, mà đầu suy nghĩ việc khác, tức là Phật tử đang tự não loạn tâm của mình, tâm không được buông lỏng, định tĩnh. Nên dù đọc trăm ngàn biến chú cũng không có lợi ích cho tâm. Khi tâm tĩnh, tâm vui vẻ, lúc đó thiện pháp mới tăng trưởng.
Nếu đọc quá chậm, thì dễ chú ý đến cảm giác trong cơ thể, trong tâm mình, một hồi sẽ dễ sanh chán mỏi, cảm giác khó chịu trong tâm khởi lên, hoặc buồn ngủ.
Khi tụng chú không đọc quá lớn, cũng không đọc quá trầm. Đọc quá lớn sẽ gây khản giọng, mỏi miệng, khô họng, khó thể đọc nhiều lần. Đọc quá trầm thì âm thanh sẽ tập trung trước phần ngực, làm tim loạn nhịp, dễ gây ra cảm giác mệt mỏi, u uất.
Cả 4 trạng thái trên đều không tốt trong quá trình tụng chú.
Do đó, quý Phật tử nên chọn giọng đọc bình thường, phù hợp với âm lượng của mình, chọn cách đọc mà mình cảm thấy dễ chịu nhất. Khi đọc ra, thấy cơ thể nhẹ nhàng, yên vui, không có suy nghĩ lăng xăng trong tâm, chỉ chú ý vào âm chú, đây gọi là tụng chú đúng chánh pháp.
(2) Đọc nhép miệng, hoặc âm rất nhỏ chỉ người đọc nghe được:
Cũng giống như đọc rõ thành tiếng, quý Phật tử không được đọc chú quá nhanh, quá chậm. Cách đọc này khác với cách đọc thành tiếng là: Cách đọc thành tiếng thì âm thanh ở bên ngoài, dùng tai để nghe, dùng tâm để trụ. Cách đọc nhép miệng thì âm thanh của chú nằm ở trong đầu, dùng tâm để trụ, nhưng hơi miệng thì thoát ra ngoài.
Trong quá trình tụng chú, quý Phật tử cũng phải thả lỏng tâm. Khi đọc tâm trụ vào âm thanh của chú trong đầu. Nếu có suy nghĩ khác ở trong đầu, thì dùng tâm trụ vào âm thanh của chú trong đầu, tiếp tục trì tụng. Chú ý, quý Phật tử không nên trụ tâm vào vòm miệng và quán hơi miệng thoát ra ngoài trong quá trình tụng chú. Điều này rất hại cho tim, vì loạn nhịp hơi thở, đọc dần lâu sẽ gây ra cảm giác căng thẳng, mệt mỏi, u uất trước ngực. Đọc xong bài chú thì mệt mỏi, không có ích gì cho mình mà còn làm tăng cảm giác sợ trì chú.
Do đó, quý Phật tử khi tụng chú theo cách này, cần trụ tâm, chú ý đến âm thanh của chú trong đầu; đọc từ tốn, không quá nhanh cũng không quá chậm, đọc với một tâm trạng thật thoải mái, khi đọc xong thấy tâm mình bừng sáng, thì lúc đó gọi là trì chú đúng pháp.
(3) Cách đọc thầm trong tâm:
Đây là một cách đọc khó, vì dễ bị tư tưởng xen tạp, dễ dẫn đến tán loạn trong tâm. Khó, nhưng không phải không có cách hành trì.
Cách đọc thầm này có điểm giống với cách đọc nhép miệng là âm thanh của chú nằm ở trong đầu. Khi đọc chú, Phật tử luôn phải giữ nguyên tắc là không đọc quá nhanh, cũng không đọc quá chậm, vì 2 cách đọc này đều dẫn đến loạn tâm thức. Không có ích lợi cho việc tu hành.
Trong quá trình đọc thầm, quý Phật tử dùng tâm trụ vào âm thanh của chú trong đầu. Nếu có tư tưởng, suy nghĩ xem tạp, thì nên dùng tâm trụ trở lại vào âm thanh của chú. Đọc từ tốn, rõ ràng trong tâm.
Ngoài ra, trong quá trình đọc thầm, quý Phật tử dễ dùng tâm trụ vào hơi thở, hoặc trụ vào lỗ tai, hoặc trụ vào con mắt, hoặc trụ ở vùng trán trước. Tất cả việc trụ kể trên đều không tốt cho việc hành trì.
Trụ vào lỗ tai thì dễ gây ra căng thẳng đầu óc, tâm không được định, hồi lâu dễ phát cuồng, tâm sân si nổi lên.
Trụ vào hơi thở thì sẽ khiến việc hít thở không tự nhiên, dẫn đến tim đập nhanh, loạn nhịp, hồi lâu gây cảm giác khó thở, mệt mỏi, loạn tâm.
Trụ vào con mắt thì sẽ gây mỏi mắt, nhức mắt, hồi lâu căng thẳng, không thể tiếp tục đọc chú được nữa.
Trụ ở vùng trán trước, hồi lâu sẽ gây căng thẳng cục bộ, vùng trán trước hoạt động quá mức, dễ gây chóng mặt, đau đầu, loạn tâm. Không có ích trong việc định tĩnh tâm mình.
Do đó, quý Phật tử khi tụng chú bằng cách này cần nên trụ vào âm thanh của chú trong đầu, tư tưởng khởi lên, thì dùng tâm trụ trở lại âm thanh. Chỉ trụ nơi này, không duyên trụ nơi khác, hồi lâu tâm dần sáng. Khi đọc xong chú sẽ có cảm giác đầu óc thư thái, thân tâm thanh tịnh. Đây gọi là trì chú đúng pháp.
3. Kết thúc tụng chú
Tùy thuộc vào ý định và bổn nguyện tụng bao nhiêu biến chú của mỗi người, việc lựa chọn số lần tụng chú sao cho phù hợp. Số lần tụng chú không được quá nhiều và cũng không được quá ít. Tụng chú là quá trình điều khiển tâm từ đang loạn động, suy nghĩ lăng xăng trở nên định tĩnh, thư thái dễ chịu.
Khi tụng chú đến một giai đoạn nhất định thì tâm quý Phật tử được định tĩnh, an lạc, rất vui vẻ; nhưng nếu số lần quá nhiều, giai đoạn an lạc này qua đi, thay vào đó là cảm giác cố gắng cho xong, mệt mỏi, dễ dẫn đến tâm loạn, bất định sẽ không tốt.
Nếu tụng chú quá ít, tâm vẫn còn lăng xăng phiền não, giai đoạn tâm được định tĩnh chưa đến, thì cũng không tốt cho tâm. Lúc này tâm vẫn còn loạn động, nên việc tụng chú chưa được lợi ích.
Do đó, khi quý Phật tử tụng chú đến một giai đoạn nhất định, nhận thấy thân tâm mình rất an lạc, không còn phiền não, một cảm giác thư thái, điềm nhiên, định tĩnh rõ ràng, thì nên dừng lại.
Quý Phật tử cố gắng giữ trạng thái an lạc, thư thái, điềm nhiên, định tĩnh này càng lâu càng tốt. Ban đầu, quý Phật tử có thể giữ được 5, 10 phút, về sau lâu dần có thể giữ được 1 giờ, 2 giờ. Về sau nữa quý Phật tự có thể giữ được nguyên một ngày thì khi đó thần lực của Chú Đại Bi phát huy tác dụng. Cho đến quý Phật tử sống trong tâm an lạc đó hằng ngày, thì nơi đâu cũng là tịnh độ, đất Phật thuần ở trong tâm.
Trên đây là phương pháp tu trì Chú Đại Bi, mong quý Phật tử thực hành đúng chánh pháp để được lợi ích quảng đại, đừng để tâm loạn, phiền não, suy nghĩ đầy dẫy trong tâm.