GN - Đầu năm, cả thế giới bàng hoàng vì những thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, gắn với tên gọi được cho là nơi xuất phát ổ dịch bệnh này: Vũ Hán, Trung Quốc.
Người dân TP.HCM đi chùa cầu nguyện trong ngày rằm tháng Giêng - Ảnh: Bảo Toàn
Nỗi bất an không chỉ ảnh hưởng với người Trung Quốc mà lan nhanh ra các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Lẽ ra không khí mùa xuân sẽ đem tới nhiều điều phấn khởi, nhưng năm nay, trong nỗi lo âu của con người, bầu trời trở nên đen xám hơn.
Liên tục thông tin cập nhật như chiến sự, đẩy con người vào thế phòng thủ, đặc biệt là với thông tin trên mạng xã hội phần nhiều thất thiệt, gieo rắc thêm nỗi sợ cho số đông, gây áp lực thêm cho con người.
Các lễ hội được thông báo, quyết định hủy, ngừng tổ chức; thậm chí các khóa tu tập trung đông người cũng đã được Trung ương Giáo hội yêu cầu tạm dừng cùng với các khuyến cáo trong mục tiêu phòng, tránh dịch bệnh này.
Với người dân TP.HCM, sau mấy ngày Tết an lành, tất cả lại hồi hộp dõi theo thông tin về vụ nổ súng ở Củ Chi làm 4 người chết, sau đó tiếp tục có án mạng nghi liên quan tới hung thủ 33 tuổi Lê Quốc Tuấn, do không kiểm soát cảm xúc trong vụ việc đỏ đen bài bạc.
Hàng trăm cảnh sát và cả quân đội được huy động nhưng vẫn chưa bắt được hung thủ có vũ khí ở trong thế cùng đường. Thêm vào đó là việc một kẻ tiền án tiền sự có hành vi gây rối trật tự, ngụ tại quận 10, đã bị bắt sau mấy ngày lẩn trốn khi công an ập vào căn nhà có chứa nhiều hung khí mà kẻ này cố thủ.
Ngoài các kênh thông tin báo chí chính thống, thông tin theo kiểu lây lan qua mạng xã hội, cập nhật cả muôn kiểu, tin giả, thông tin lồng ghép vô tội vạ lại gieo rắc thêm nỗi lo sợ cho nhiều người dân. Có ý kiến cho rằng, chính nỗi lo sợ mà con người tạo cho nhau qua các thông tin thất thiệt như thế làm cho không khí trở nên ngột ngạt.
Với người có tín ngưỡng tôn giáo, cầu nguyện là một trong những phương thức trị liệu tinh thần trong những tình huống, hoàn cảnh vượt khỏi khả năng kiểm soát của bản thân, để theo đó, có thể lấy lại sự tỉnh táo để ứng xử phù hợp.
Tuy nhiên, gần đây, trên một số báo chí chính thống, không rõ xuất phát từ động cơ nào hay do sự thiếu hiểu biết về kiến thức văn hóa, trong đó có tôn giáo, đã có những quy chụp cho sự cầu nguyện là mê tín, và đánh đồng, gán ghép các khái niệm lễ nghi vốn có sự khác biệt trong Phật giáo. Báo chí, nếu chỉ phản ánh các hiện tượng tiêu cực và khuếch đại nó một cách thái quá, thì chỉ góp phần làm cho xã hội trở nên điên đảo, loạn lạc, bất an hơn.
“Mục đích của cuộc sống chúng ta là để được hạnh phúc. Cuộc sống của chúng ta được dựa trên niềm hy vọng, triển vọng của một điều gì đó tốt đẹp. Một khi bạn mất hy vọng, nó có thể rút ngắn cuộc sống của bạn; do đó, mục đích của chúng ta là để được hạnh phúc”, người viết muốn trích lời của ngài Dalai Lama, một vị tu sĩ Phật giáo được nhiều người yêu quý, trong câu chuyện với giới truyền thông tại Frankfurt, Đức, cách đây 6 năm để nói rằng hạnh phúc - điều mà ai cũng muốn, chỉ hiện diện khi trong chúng ta không còn sự lo lắng, sợ hãi, bất an.
Điều gì giúp con người tạm thời, hoặc chuyển hóa những tâm lý ấy thì đó đều là việc cần thiết.
Diệu Nghiêm (Báo Giác Ngộ số 1036)