Đừng để rơi vào cực đoan
Cập nhật ngày: 3/9/2020 8:08:07 AM
 
GN - Từ Tết đến nay, lúc nào và ở đâu cũng đều nghe bàn tán về dịch bệnh viêm hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra. Con số người bị nhiễm, số tử vong, cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ mà dịch bệnh lan đến luôn được cập nhật, trao đổi và chia sẻ trong câu chuyện hàng ngày của người dân.
 
Từ một địa điểm nhỏ ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, Covid-19 giờ đã lan ra hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, con số người bị nhiễm lên tới hàng chục ngàn và số tử vong cũng gần ba ngàn. Dịch bệnh bùng phát những nơi mà trước đó người ta chưa hề nghĩ tới, như Hàn Quốc, Ý, Iran, Đức, Mỹ…
 
Con số đó tăng dần đồng nghĩa với nỗi lo lắng của người dân cũng tăng lên mỗi ngày.
 
Cả xã hội đang bị ảnh hưởng, một số sinh hoạt đảo lộn vì học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh việc lây lan bệnh; nhiều lễ hội bị hủy, dừng tổ chức khiến cho không khí “tháng Giêng là tháng ăn chơi” trở nên ảm đạm, yên ắng chưa từng thấy.
 
anhminhhoa 3.jpg
Chánh niệm tỉnh giác là chìa khóa mở cửa hành giả bước vào thế giới bình an giữa dòng đời vạn biến
 
Trong câu chuyện gửi về tòa soạn báo Giác Ngộ, một cộng tác viên kể, không chỉ ở Việt Nam, mà tại Úc, một cô gái bị cảm mạo bình thường vừa bước lên tàu, cô chỉ hắt hơi và ho nhẹ, ngay lập tức mọi người đang đông liền dạt ra, nhường cho cô cả… một băng ghế trống, không ai dám ngồi cạnh.
 
Nhiều câu chuyện khác cũng cho thấy, vì quá lo sợ, con người đã đánh mất phẩm chất cao quý của mình là tình thương, sự tử tế, sẵn lòng giúp đỡ người khác. Cũng vì quá sợ hãi mà xảy ra cả những hành động mất nhân tính, kỳ thị, xua đuổi, thậm chí cưỡng bức với cả người chưa bị nhiễm bệnh, hoặc đã được điều trị khỏi bệnh.
 
Tất nhiên cũng cần lên án những người thiếu tinh thần tự giác, làm lây nhiễm bệnh cho cộng đồng. Hoặc cả những người thiếu ý thức khi xuất hiện nơi công cộng mà không tuân thủ các khuyến cáo phòng tránh dịch bệnh khiến nhiều người lo lắng. Đây dẫu chỉ là cá biệt nhưng không thể chấp nhận.
 
Tình hình dịch Covid-19 được giới chuyên môn dự báo là đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm khó lường.
 
Đối với Phật giáo, vào thời điểm này năm ngoái, các thông tư hướng dẫn tổ chức Đại lễ kính mừng Phật đản, An cư kiết hạ… đã được phổ biến, nhưng nay Giáo hội vẫn chưa ban hành. Các học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, TP.HCM và Cần Thơ cũng như hệ thống các trường trung cấp Phật học khắp cả nước đã cho Tăng Ni sinh nghỉ học; Hủy việc tổ chức các Đại giới đàn, các sự kiện dù kế hoạch đã định; Các khóa tu tập trung đông đảo Phật tử như “Một ngày an lạc”, Bát quan trai… cũng tạm chưa mở lại kể từ kỳ tất niên năm rồi.
 
Trong bản kinh Mahākaccāna-bhaddekaratta thuộc Trung bộ, văn hệ Pāli, Đức Phật nhắc nhở các vị Tỳ-kheo, những người thực hành Phật pháp, hãy chánh niệm tỉnh giác, sống thiết thực hiện tại, không truy tìm quá khứ và cũng không viễn mộng tương lai, với cả tâm lý níu kéo hay ước mơ, vì ám ảnh, lo sợ.
 
Chánh niệm tỉnh giác là chìa khóa mở cửa hành giả bước vào thế giới bình an giữa dòng đời vạn biến. Từ đó, mới có những ứng xử phù hợp cho mọi tình huống, hoàn cảnh, cả trong dịch bệnh như hiện nay, để đừng quá chủ quan để bị lây nhiễm, nhưng cũng không quá lo âu sợ hãi để tổn hao sức đề kháng, quên mất đi mục đích sống là để có sự an lạc và hạnh phúc.

Diệu Nghiêm

 
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Email *
Tiêu đề *
Nội dung
Nhập các ký tự bên cạnh vào đây:
Trang: [1]2 3 4 5 6 7 8 9 10 » Trang cuối
Xem nhiều Phản hồi nhiều nhất
Hình ảnh hoạt động
Liên kết Website
Quảng Cáo
Thông tin truy cập